Đế sư – Chương 7

 

7

 

ĐẾ SƯ

Chương 7: Dự tính của đế vương

Edit: Mimi

Beta: Ame

*****

 

Hôm sau, khi lâm triều, Mâu Bân thân mặc y phục kỳ lân được ngự ban, đầu đội trung tĩnh quan, tay cầm kim bài Chỉ huy sứ vào cung yết kiến.

 

Nhiều lần, trong cung truyền ra thanh âm tức giận của thiên tử. Công bộ, hộ bộ, bộ binh đều bị chỉ trích, Ngự sử Cấp sự trung góp lời, liên tiếp bị tiếng quát mắng át đi, ngay cả tam học sĩ nội các đều phải chịu nhiều liên lụy.

 

Hoàng đế Hoằng Trị nhân từ độ lượng, không đuổi tận giết tuyệt đám dư đảng Vạn phi, ngay trong mấy ngày kế tiếp, lại còn hất đổ rất nhiều tấu chương, nổi trận lôi đình ngay lúc lâm triều. Việc này không khỏi khiến cho toàn thế bá quan văn võ giật mình kinh hãi một phen. Lại thêm Chỉ huy sứ Cẩm y vệ đứng ở một bên, cùng với những tướng quân Kim ngô vệ cao lớn rải rác đứng bên ngoài điện, đám người ở bên trong triều càng là sợ hãi không thôi, da đầu run lên từng trận.

 

Tảo triều chấm dứt, quần thần rời khỏi Phụng Thiên môn, trái tim vẫn còn lấp ló ở nơi cổ họng tựa hồ như muốn bật ra ngoài.

 

Đám quan viên ở Kinh nhưng chưa có tư cách vào triều, hoặc có công lao to lớn được miễn vào triều, sau khi nhận được tin tức đều là một vẻ rúm ró tay chân, thở cũng không dám thở mạnh.

 

Người nhân từ trở mặt, mới thực sự là điều khiến cho kẻ khác sợ hãi không thôi.

 

Động thái lần này của hoàng đế Hoằng Trị, không khỏi khiến mọi người nhớ tới Minh Anh Tông (*) khi còn trẻ.

(*) Minh Anh Tông: là vị Hoàng đế thứ 6 và thứ 8 của nhà Minh trong lịch sử Trung Quốc. Ông trị vì hai lần với niên hiệu Chính Thống từ năm 1435 tới năm 1449 và niên hiệu Thiên Thuận từ năm 1457 tới năm 1464.

 

Mà huynh đệ nhà họ Trương thường ngày vẫn luôn tùy tiện đi đi lại lại, lúc này thế nhưng sợ hãi bất an ru rú trong nội phủ, không dám tiến cung hỏi thăm tin tức, chỉ sợ vừa mới ló đầu liền không may đụng phải mũi thương ngọn giáo.

 

Bởi vì mối quan hệ đối với Trương hoàng hậu, cho nên hoàng đế đối với nhà họ Trương khoan dung vô cùng. Thế nhưng từ đại thần trong triều cho tới quan lại trong cung vua, đều thấy huynh đệ Trương thị cực kì không thuận mắt.

 

Hai người này cậy mình vẫn luôn bầu bạn bên người thiên tử, đã từng cầm kim qua (1) trong tay đuổi đánh Thọ Linh hầu. Mặc dù cũng có nguyên nhân là hành vi không thích hợp của đối phương, ỷ mình say rượu mạo phạm thiên uy. Dù sao đi chăng nữa, một trung quan (*) dám trực tiếp ấu đả với tiểu cữu tử (2) của hoàng đế, cũng là chuyện hiếm có khó tìm.

(*) Trung quan: quan hầu trong cung: thái giám

 

Hiện giờ, thiên tử nổi trận lôi đình, văn võ toàn triều không biết đầu đuôi nguồn cội, thân thích bên ngoại cũng không dám hó hé gì, chỉ một lòng một dạ chờ mấy lời đồn thổi bay qua, sau đó mới tiếp tục toan tính.

 

Chẳng ngờ, sau khi bãi triều, ngự giá liền quay lại cung Càn Thanh. Trung quan vội vàng chạy tới thái y viện, xe ngựa có ô cửa nho nhỏ màng vàng của hoàng đế vừa xuất cung, tất cả Viện phán đang làm nhiệm vụ, cùng với Viện sử không có việc làm, và cả bốn gã Ngự y, đều bị triệu tới Càn Thanh cung.

(*) Viện phán, Viện sử: quan nghiên cứu thuốc, phối thuốc, chế thuốc… aka dược sĩ. Còn Ngự y đương nhiên là bác sĩ -_-

 

Sau đó có trung quan truyền chỉ, giờ ngọ ngày hôm đó lập tức bãi triều.

 

Hoàng đế Hoằng Trị thời niên thiếu gặp nhiều khốn khó, tổn hại căn cơ, mang bệnh rất lâu trong người, hàng năm vẫn không cách nào ngừng thuốc. Kể cả thái y viện vắt đến kiệt não, thì kết luận sau khi bắt mạch cho thiên tử, vẫn là bệnh cũ khó dứt, cố tật khó tiêu.

 

Năm Hoằng Trị thứ mười bảy, tin đồn có Cẩm y vệ phụng theo mật lệnh xuất kinh, tìm kiếm “Tiên gia đạo trưởng” hòng chế thuốc cho thiên tử, khiến cho triều thần đồng loạt cả kinh.

 

Căn cứ cào tính cách của Hoằng Trị đế, chắc chắn sẽ không cầu mong trường sinh bất lão này nọ gì cả.

 

Khả năng lớn nhất chính là, phương thuốc thái y viện kê ra không có tác dụng, có thể trị bệnh lại không thể đổi thay số mệnh, thiên tử chỉ đành nhờ vào đan dược,  miễn cưỡng chống đỡ qua ngày, đồng thời tận lực giữ vững tinh thần xử lý chuyện triều chính.

 

Theo những gì người đời sau nói tới thì, đan dược mà đạo sĩ chế luyện rồi đưa cho Hoằng Trị đế dùng, hiệu quả cũng tương tự như “Thuốc kích thích” trong tương lai. Đối với căn bệnh lâu năm ủ trong mình thiên tử mà nói, chẳng khá gì thúc đẩy cạn kiệt tinh lực, tự sát một cách từ từ.

 

Nhưng mà, thái y viện đã bó tay, nếu không cầu đan dược cứu trợ, đúng là hậu quả khó lòng có thể tưởng tượng ra.

 

Nhiều năm chịu khổ trong quá khứ tích tụ, đến giờ lại tức giận thường xuyên, thân thể Hoằng Trị đế rốt cục không chống đỡ nổi.

 

Trong Càn Thanh cung, Viện sử cùng Viện phán của thái y viện trưng ra vẻ mặt cực kỳ trầm trọng, bắt mạch đi đi lại lại mấy lần, thương lượng đưa ra phương thuốc. Chỉ cần xác nhận có thể dùng, bọn họ liền tự mình đi tới Thiên điện để sắc thuốc mà không cần nhờ đến sự trợ giúp của bất cứ nội quan nào.

 

Ngoài điện, Hoàng hậu đích thân đến thăm bệnh, lại bị bằng hữu thân thiết bên người hoàng đế ngăn lại.

 

“Bệ hạ có bệnh, không tiện gặp nương nương. Nô tài phụng chỉ, xin nương nương tạm thời hồi cung.”

 

Hoàng hậu vô cùng lo lắng, song nàng biết Ninh Cẩn dám có hành động cả gan như thế, nhất định là bởi thiên tử dặn dò. Phu thê nhiều năm, biết chuyện gì không thể chuyện gì có thể, cho nên nàng chỉ đành áp chế lửa giận trong lòng, nói: “Nếu thiên tử có chuyển biến tốt đẹp hơn, nhất định phải sai người báo cho bổn cung biết.”

 

“Dạ.”

 

Ninh Cẩn khom người, cung kính tiễn Hoàng hậu rời đi, chờ đám cung nhân hồng quần đi xa rồi, mới xoay người trở vào nội điện.

 

Bên trong chưa đốt huân hương, chỉ có mùi vị đắng chát của thuốc đông y lượn lờ phiêu tán.

 

Mà thiên tử vốn phải nằm trên long sàng, giờ phút này thế mà dựa người ngồi dựng lên, trên đùi đặt một cái bàn thấp, hai bên còn có nội quan hầu hạ bút nước mực tàu, đang nhanh tay viết lách cái gì đó.

 

Hoằng Trị đế không đến bốn mươi, nhưng đã lấm tấm hoa râm, thân thể gầy như que củi. Hốc mắt trũng sâu đen đen tím tím, đích thực bộ dáng của người bị bệnh lâu ngày. Chính là, sắc mặt của hắn lại hồng nhuận một cách dị thường, ngón tay cũng vô cùng hữu lực.

 

Nhìn hộp ngọc trên tay trung quan, Ninh Cẩn hiểu được, thiên tử lại vừa mới ăn đan dược.

 

“Bệ hạ, vạn lần xin bảo trọng long thể.”

 

“Tấm lòng của lão hữu (*), trẫm biết.” Hoằng Trị đế không hề ngừng bút, thở dài một hơi, nói, “Thời gian không đợi con người a.”

(*) Lão hữu: người bạn già

 

Hốc mắt Ninh Cẩn bất chợt đỏ lên, không còn nói được lời gì nữa.

 

“Hoàng hậu đi rồi?”

 

“Hồi bệ hạ, nương nương đã trở về cung Khôn Ninh.”

 

“Thái tử đâu?”

 

“Nô tài đã cho người tới điện Văn Hoa. Thái tử đã đọc sách xong, hẳn là…”

 

Ninh Cẩn còn chưa dứt lời, ngời cửa điện đã truyền đến tiếng trung quan bẩm báo, theo đó là một hồi tiếng vội vội vàng vàng.

 

Trong nháy mắt, một thiếu niên toàn thân bàn long phục đỏ thẫm, đầu đội Dục thiện quan (*), thắt lưng buộc đai ngọc, chân đi hài da đã xông vào.

(*) Bàn long phục: trang phục hoa văn rồng bay lượn thành vòng tròn. Dục thiện quan: loại mũ có 2 cái cánh đằng sau (chú thích hình)

mu

“Phụ hoàng!”

 

Thiếu niên mang theo vẻ mặt đầy lo lắng, cũng chẳng quan tâm đến bất cứ thứ gì khác, thẳng một lèo chạy đến trước mặt Hoằng Trị đế. Khuôn mặt khôi ngô tuấn tú của thiếu niên nọ thực là giống Hoằng Trị đế trước kia, nhưng là không có lấy nửa phần nhợt nhạt ốm yếu, trái lại cực kỳ khỏe mạnh đẫy đà.

 

Thiếu niên nọ đích thị là Thái tử đương triều, Chu Hậu Chiếu – năm nay mới mười bốn tuổi.

 

Chu Hậu Chiếu hành lễ, Hoằng Trị đế ho nhẹ hai tiếng, nói: “Tới gần một chút, trẫm có chuyện muốn nói cùng con.”

 

Không đợi thiên tử lên tiếng dặn dò, Ninh Cẩn và đám trung quan đã nhanh chóng rời khỏi nội điện, đóng cửa, dựng thẳng thân mình canh giữ ở ngoài.

 

“Thân thể phụ hoàng quan trọng hơn, có lời gì cứ để sau này hãy nói.”

 

“Không có sau này.” Hoằng Trị đế khẽ lắc đầu.

 

“Phụ hoàng…”

 

“Không cần e ngại, trẫm bị bệnh nhiều năm như vậy, sớm đã biết trước kết cục rồi.”

 

Hoằng Trị đế một đời không có phi tần, chỉ duy một mình hoàng hậu là thê tử. Con thứ đã sớm chết yểu, Chu Hậu Chiếu là của trưởng tử và cũng là nhi tử độc nhất của hắn. Đối với Chu Hậu Chiếu, hắn vừa là nghiêm phụ, mà lại càng giống như từ phụ.

 

“Những gì Trẫm viết đây, con phải ghi nhớ cho thật kỹ.”

 

Trên giấy đều là tên của triều thần, có văn thần cũng có võ tướng, vài cái tên dùng mực đen đánh dấu, lại có vài cái được chấm đỏ bên trên.

 

“Những người dùng mực đen đánh dấu, đều là trọng thần, có thể dùng. Những người chấm mực đỏ, sau kỳ thi Đình, liền giao cho Hình bộ và Đại lý tự nghiêm khắc thẩm tra.”

 

Không đợi Chu Hậu Chiếu lên tiếng hồi đáp, Hoằng Trị đế dứt khoát châm lửa đốt vài cái tên, nói: “Nhớ kỹ mấy người kia, mặc kệ Hình bộ và Đại lý tự có nói cái gì, cũng không được đặc xá. Trẫm đã nói với Mâu Bân, hắn sẽ làm tốt việc này.”

 

Khẩu khí của Hoằng Trị đế, hiển nhiên là an bài hậu sự.

 

Mặc dù Chu Hậu Chiếu không thích đọc sách, lại có tiếng là dốt nát ngu đần, thế nhưng hiếu thuận chính là thiên tính, thấy phụ thân nói ra những lời như vậy, nhịn không được mà đỏ au hai mắt, lệ nóng bắt đầu lã chã rơi.

 

“Phụ hoàng!”

 

“Đừng khóc.”

 

Hoằng Trị đế vỗ nhẹ lên vai nhi tử, biểu tình tràn đầy bất đắc dĩ, không cam lòng và cả tiếc thương. Nhi tử còn nhỏ, bệnh tình của hắn thì ngày một nặng thêm, hắn không dám ước mong nhiều, chỉ cần cho hắn mười năm, không, năm năm! Để hắn có thể dốc gan dốc ruột giáo dưỡng đứa con này, như thế hắn liền có thể yên tâm mà rời đi.

 

Song hiện tại…

 

Thở dài thật sâu, Hoằng Trị đế nhớ tới một câu mà Thái tổ cao hoàng đế (1) đã từng nói với Ý Văn Thái tử (2): quyền trượng có gai, ta thay ngươi nhổ bỏ, còn lại hãy nắm cho chắc vào.

(1) Thái tổ cao hoàng đế: Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương. Ông là vị hoàng đế khai quốc của vương triều nhà Minh trong lịch sử Trung Quốc, cai trị từ năm 1368 đến 1398. Các sử gia gọi thời kỳ cai trị của ông là “Hồng Vũ chi trị“. Ông được xem như là một trong các hoàng đế vĩ đại nhất của Trung Quốc nhờ các công trạng của mình với đất nước.

(2) Ý Văn Thái tử: con trai trưởng của Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương và Hiếu Từ Cao hoàng hậu Mã Tú Anh. Ông cũng là cha đẻ hoàng tôn Chu Doãn Văn, sau trở thành Minh Huệ Đế. Khi qua đời, hiệu của ông là Ý Văn Thái tử. Về sau này, ông được Minh Huệ Đế truy hiệu là Hiếu Khang hoàng đế, rồi được đặt miếu hiệu là Hưng Tông . Đến khi Minh Thành Tổ Vĩnh Lạc hoàng đế đăng ngôi, ông lại được cải thành Ý Văn Thái tử.

 

Hắn có thể không cần anh danh, tàn nhẫn mà cương quyết noi theo con đường ấy, thế nhưng thời gian không đợi hắn, không còn cho hắn cơ hội nữa rồi.

 

“Phụ hoàng được trời cao phù hộ, chắc chắn long thể sẽ an khang!”

 

“Nói ngốc gì vậy.” Hoằng Trị đế nở nụ cười, không dùng tôn xưng, chỉ nói, “Những lời vi phụ vừa nói, con đã nhớ kỹ chưa?”

 

“Nhớ rồi.”

 

Chu Hậu Chiếu lau nước mắt, thế nhưng hốc mắt vẫn đỏ bừng.

 

Thấy vậy, sống mũi Hoằng Trị đế cũng cay cay.

 

Thiên mệnh không thể làm trái, hắn cũng chỉ tận lực chống đỡ được thêm ngày nào hay ngày ấy mà thôi, trong khoảng thời gian ngắn ngủi này, hắn phải tận lực trải đường cho nhi tử, chọn lựa lương thần phụ tá ngày sau. Về chuyện Mâu Bân khởi tấu, hắn sẽ lưu lại cho Thái tử xử trí, coi như dùng để uy hiếp quần thần.

 

Hoằng Trị đế chống đỡ thân thể suy yếu vì bệnh tật, dạy dỗ Thái tử ngay ở trong cung Càn Thanh.

 

Mâu Bân trở về phủ ti của Cẩm y vệ ở phía Bắc, lần lượt điều động ba đội kỵ binh, hai đội đi lên phương Bắc, một đội hướng về phía Nam.

 

Đám người tiến Bắc, mục đích là Tuyên phủ ở Đại Đồng, còn đám người xuôi Nam, mục đích lại là Nam Xương – nơi ở của Ninh vương.

 

Trong triều gió nổi, Dương Toản chuyên cần luyện văn viết chữ vẫn chưa bị ảnh hưởng gì, chỉ nghe Lý Thuần nói, cống sĩ đưa bái thiếp (*) và bài văn tới Trương phủ cùng Dương phủ đều không có lấy một mống nào, khi ấy mới loáng thoáng nhíu mày.

(*) bái thiếp: thư xin bái làm sư, xin đi theo học hỏi

 

“Trương học sĩ sắp sửa đến tuổi cáo lão về quê, không có người đưa bái thiếp cũng là dễ hiểu. Thế nhưng chỗ Dương đại học sĩ mà cũng không thấy ai, khó tránh khỏi có chút kỳ quái.”

 

Thời điểm đám người Lý Thuần đàm luận, Dương Toản không mấy khi mở lời, dù thỉnh thoảng có lên tiếng, song chủ yếu vẫn là đàm luận văn vẻ mà thôi, kiểu tranh luận sắc bén lại lộ liễu như Diêm Cảnh, trái lại chưa từng xuất hiện.

 

Hắn không nói, đám người Lý Thuần cũng sẽ không im lặng.

 

Bọn họ đã trở mặt với Diêm Cảnh, tất nhiên không hy vọng Diêm Cảnh tỏa sáng bất ngờ tại cuộc thi Đình, để rồi được Thiên tử coi trọng.

 

Thấy ba người kia nói toàn lời thật lòng thật dạ, Dương Toản không thể không lên tiếng an ủi.

 

“Việc ba vị nhân huynh lo lắng, sẽ không phát sinh ở Cửu thành.”

 

“Hiền đệ có cơ sở gì không?”

 

“Tất nhiên.”

 

Dương Toản buông sách xuống, bắt đầu chậm rãi phân tích, vì sao Diêm Cảnh sẽ không một bước lên trời, được nằm trong bậc một (*).

(*) Thi Đình gồm 3 bậc: Bậc 1: Đỗ tiến sĩ đệ nhất giáp (tiến sĩ cập đệ). Gồm ba thí sinh đỗ cao nhất (gọi là tam khôi): thám hoabảng nhãntrạng nguyên  — Bậc 2: Đỗ tiến sĩ đệ nhị giáp (tiến sĩ xuất thân hay hoàng giáp) — Bậc 3: Đỗ tiến sĩ đệ tam giáp (đồng tiến sĩ xuất thân)

 

Thứ nhất, ba người đầu bảng trong cuộc thi hội đều có thực tài, nếu không có gì bất ngờ xảy ra, ít nhất sẽ chiếm hai vị trí trong danh sách bậc một. Nếu không, chính là làm bẽ mặt quan chủ khảo. Các cuộc thi Đình từ trước tới nay đều đã chứng minh được điểm ấy.

 

Thứ hai, mặc dù Diêm Cảnh có thứ tự xếp gần đầu, nhưng trước hắn còn có Tạ Phi! Nhi tử của Các lão (*), tài năng và phẩm hạnh đều là thượng đẳng, lại thêm tướng mạo đường đường, thời điểm thi Đình, chính là ứng cử viên duy nhất của danh hiệu Thám hoa.

(*) Các lão: gọi chung chung của các Đại học sĩ Cấp sử trung

 

Thứ ba, cũng là yếu tố quan trọng hơn một chút, bởi vì chuyện cũ của Diêm Hoàn, người muốn áp chế Diêm Cảnh, không chỉ có vài cống sĩ nho nhỏ thôi đâu.

 

Dương Toản dừng một chút, lại nói tiếp: “Nghe nói Dương đại học sĩ và Diêm Ngự sử bất hòa, vả lại Diêm ngự sử cũng có phần lục đục với Lý học sĩ Nội các và Lý lang trung của Bộ hộ.”

 

Khách điếm là nơi tin tức tập hợp và phân tán, tuy hắn đóng cửa đọc sách, nhưng thư đồng Dương Thổ lại nghe ngóng khắp nơi, vì thế nên cũng nắm được không ít tin tức.

 

Diêm Cảnh có thực tài, kỳ thi mùa xuân cầm cờ đi trước cũng không phải là kỳ quái. Song đến lúc thi Đình, tình huống lại không còn giống như thế nữa.

 

Có nhi tử của Tạ đại học sĩ đứng ở trước, lại có Lý đại học sĩ và Lý lang trung cũng không hề ủng hộ, chưa kể còn Dương đại học sĩ động tay động chân, dù không có chuyện mất bài, song muốn đậu vào bậc một cũng là ngàn vạn khó khăn.

 

Nghe Dương Toản phân tích xong, đám người Lý Thuần, Trình Văn như thể được tưới nước lên đầu, tự nhiên mà bừng tỉnh.

 

“Dương hiền đệ nói đâu ra đó, lập luận sắc sảo vô cùng, chúng ta bội phục.”

 

Dương Toản cười nói: “Chỉ là một chút ý kiến thiển cận, mong ba vị nhân huynh đừng nhạo báng.”

 

“Làm gì có!”

 

“Tiểu đệ bất tài, viết luận lại thấy có vài chỗ không hiểu, muốn xin mấy huynh chỉ điểm, được không?”

 

“Đương nhiên, hiền đệ có gì không rõ?”

 

Dương Toản mở bàn văn đã viết xong ra, chỉ vào mấy chỗ hành văn tối nghĩa, trong cuộc thi Hội Lý Thuần Trình Văn không có được thứ hạng cao bằng hắn, song bản lĩnh viết luận không hề kém cỏi.

 

Mấy người bọn họ thảo luận một phen, sau cùng cũng có thu hoạch nhất định, vì thế không khỏi cảm thán: thánh nhân từng nói “ai cũng có chỗ hay để học”quả thực là chí lý!

 

Trong Kinh thành trong gió mây vần vũ, sóng ngầm mãnh liệt cuộn trào.

 

Mấy trăm dặm bền ngoài Bảo An châu  -Trác Lộc huyện lại là cờ trắng treo cao, tình cảnh thảm đạm cực kỳ.

 

Trước từ đường nhà họ Dương, bất kể nam nữ già trẻ, ai nấy đều là thắt lưng bộc dây đay, đầu trít khăn trắng (*).

(*) Áo tang

 

Bên trong từ đường, mười sáu cái bài vị, mười sáu cỗ quan tài, thể hiện rõ rành rành một hồi thảm thương đầm đìa máu chảy.

 

Tộc trưởng Dương thị sống lưng còng xuống, tựa hồ chỉ trong nháy mắt đã già đi mấy chục tuổi đầy, nam đinh của nhà họ Dương đứng ở nội đường, người già thất thanh khóc rống, người trẻ xiết chặt bàn tay lặng lẽ nghiến răng, trẻ nhỏ thì ngây thơ gào khóc.

 

Tiếng khóc đập thẳng vào gió Bắc đang tràn về, cuốn theo cờ trắng cuồn cuộn tung bay, thê lương không biết bao nhiêu mà kể.

 

Bên ngoài từ đường, phụ nhân trong tộc cũng khóc than từng trận, bất bình, oan khuất, oán hận, tất cả đều ngưng kết trong từng giọt nước mắt, thật lâu không thể tiêu tan.

 

Thời gian trông đi, cánh cửa từ đường bật mở, ngay lúc tộc trưởng vừa mới bước ra, liền hỏi thăm một tộc nhân chân thọt, trên đầu mang đầy thương tích, “Chuyện của Tứ lang dàn xếp ổn thỏa chưa?”

 

Tộc nhân nọ run run, trong lời nói mang một chút nghẹn ngào.

 

“Hai vị huynh trưởng của tứ lang đã mất, tam thúc gắng gượng một hơi, nói…”

 

“Nói cái gì?”

 

“Nói tộc trưởng hãy yên tâm, hắn sẽ không chết, không thể chết được. Cho dù phải vùng vẫy chống lại thượng thiên để tranh giành sự sống, hắn cũng phải đợi được đến khi tứ lang đề tên bảng vàng, phải được nhìn thấy ngày Diêm gia gặp báo ứng!”

 

“Tam đệ à!”

 

Nghe được lời ấy, tộc trưởng Dương thị rốt cuộc không chống đỡ nổi nữa, bi thiết kêu lên một tiếng, hai hàng nước mắt chảy dài.

 

 

3 comments on “Đế sư – Chương 7

  1. Truyện hay quá các bạn ơi QAQ dằn lòng hông nổi, cứ muốn đọc hoài thôi
    mình thích nhất là thể loại cung đấu như vầy, vừa kịch tính vừa hấp dẫn lại có chiều sâu
    thương nhà bạn Dương quá đi, đọc nhiều truyện cổ trang rồi mà ít thấy gia đình nào coi trọng tình cảm gia tộc như này. Thương mấy bác quá huhu QAQ
    P/S: giờ mình chỉ muốn gắn phản lực cơ vào sau mông mấy bạn để có truyện hoàn mà đọc thôi….ôi ước chi khi nãy mình kìm lòng được để không phải lọt hố trong bứt rứt như bi giờ TAT

     
    • Tiểu Hoàng Thư

      December 17, 2016 at 8:04 pm Reply

      Ahihihi~ thx bạn đã ủng hộ, mình cũng thích bộ này, mặc dù nó hơi hại não :v cơ mà bọn mình sẽ ráng hoàn nó nhanh nhất có thể, ahihihi~~~~

       
  2. Thả tym <3
    tuyệt vời ~~~

     

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Xin hãy nhập captcha *