Đế sư – Chương 39

 

C39

ĐẾ SƯ

Chương 39: Hoàng đế băng hà (3)

Edit: Ôn Khách Hành – Beta: Mimi, Ame

*****

 

 

Trán chạm đất, nước mưa dọc theo sống mũi rơi xuống từng giọt từng giọt, để rồi đọng lại trên mặt sàn gạch thành những chấm tròn.

 

Quan phục ướt đẫm dán chặt lên người, cảm giác lạnh lẽo thấu xương cứ thế ngấm sâu vào da thịt.

 

Dương Toản cố sức nhắm nhắm mở mở đôi mắt, hít vào một mùi hương cực kỳ gay mũi hòa trong làn gió rét lạnh. Mùi vị lẫn lộn cả đắng vào cay ấy khiến cho thần kinh căng thẳng đến tột cùng của hắn dần dần bình tĩnh.

 

Sau khi dập đầu thêm một lần nữa, Dương Toản được lệnh đứng lên.

 

Dường như hoàn toàn không nghĩ tới chuyện Dương Toản sẽ xuất hiện ở đây vào lúc này, cho nên Chu Hậu Chiếu bất giác lộ ra vài phần kinh ngạc. Nó nhìn về phía Hoằng Trị đế, Dương Biên tu là do phụ hoàng gọi tới hay sao?

 

Phớt lờ một tia kinh nghi bất định lóe ra trong mắt nhi tử, Hoằng Trị đế chậm rãi gọi, “Dương Toản!”

 

“Có thần!”

 

“Có biết vì sao Trẫm triệu kiến ngươi không?”

 

“Hồi bẩm bệ hạ, thần không biết!” Dương Toản thành thật trả lời. Trong lúc ấy hắn vẫn một mực cúi đầu xuống, hoàn toàn không nhìn thấy biểu tình của Hoằng Trị đế.

 

Ngồi bên cạnh giường, Chu Hậu Chiếu lạnh càng cảm thấy kì lạ, đang định mở miệng hỏi han thì bị Hoằng Trị đế đè tay cản lại, lắc đầu một cái.

 

Chỉ một hành động giản đơn như thế cũng khiến ấn đường Hoằng Trị đế lấm tấm mồ hôi. Ninh Cẩn cầm khăn nóng, khom lưng bước tới, cẩn thận giúp Hoàng đế lau mồ hôi vã trên trán, sau đó lại kính cẩn lui ra.

 

Ngoài cửa sổ lóe lên một tia chớt, trong Noãn các ánh nến lay động chập chờn.

 

Hoằng Trị đế chưa kịp nói gì đã bắt đầu ho khan đứt quãng, sắc mặt cũng vì vậy mà đỏ lên. Chu Hậu Chiếu nhận được ám hiệu của phụ thân, cho dù lòng mang nghi vấn song vẫn tận lực đè nén lại.

 

Sau khi dâng nước ấm và đan dược, Ninh Cẩn cùng Phù An lại lẳng đứng sang một bên, mắt nhìn mũi, mũi nhìn tâm, toàn thân bất động không hề nhúc nhích, thoạt nhìn thật chẳng khác gì hai pho tượng.

 

Dương Toản đứng trong điện, bao quanh là mùi huân hương và tiếng gió mưa gào thét, thoáng chốc hắn chợt có chút thất thần.

 

Qua một lúc lâu, Hoằng Trị đế không còn ho gay gắt nữa, vì thế mở miệng phá vỡ sự trầm mặc giữa quân – thần.

 

“Dương Toản.”

 

“Có thần!”

 

“Giam ngươi vào Chiếu ngục, ngươi có oán hận hay không?”

 

“Hồi bẩm bệ hạ, thần đã phạm sai lầm, vậy thì đương nhiên nên bị phạt.”

 

“Vậy là có oán?”

 

“Bệ hạ, thần không dám!” Dương Toản không chút hoang mang, nghiêm mặt nói, “Dù thần có ngu dốt hơn nữa cũng biết cảm tạ sự che chở của bệ hạ dành cho thần. Thần một lòng kính ngưỡng tri ân, tuyệt không dám nói những lời không thành thật hòng dối gạt bề trên.”

 

Hoằng Trị đế gật đầu, lập tức chuyển đề tài, “Trẫm nghe nói, dù ở trong ngục nhưng ngươi vẫn siêng năng cần mẫn, một lòng hiếu học, sách vở không rời tay, có phải là thật chăng?”

 

“Tán thưởng của bệ hạ, thần không dám nhận.”

 

Nghe Hoàng Trị đế nói vậy, Dương Toản càng thêm cung kính, cảm giác khẩn trương vừa thoáng biến mất lại chợt quay về, thần kinh của hắn cũng theo đó mà dần căng thẳng hơn.

 

“Ừ.”

 

Hoằng Trị đế dừng một chút, lại bắt đầu ho khan.

 

Phù An lập tức dâng nước ấm, cơn ho đột nhiên xuất hiện nhờ vậy mà bị áp chế đi một chút. Tuy nhiên thanh âm của Hoằng Trị đế lại trở nên khàn khàn, không được rõ ràng như lúc trước.

 

“Nếu trẫm lệnh ngươi dạy học cho Thái tử, vậy trong  ‘kinh – sử – tử – tập(*)’, ngươi chọn cái nào?”

 

(*)Kinh sử tử tập: kinh điển, lịch sử, chư tử, văn tập. Đây là cách phân loại sách thời xưa.

Không phải là cùng học, mà là dạy học?

 

Trong lúc nhất thời, Dương Toản lắp bắp vì kinh hãi.

 

Từ xưa đến nay, chỉ có ba vị Các lão, hai vị học sĩ viện Hàn Lâm, sáu vị Thượng thư lục bộ mới có được cái vinh dự này, nói cách khác, chỉ có thầy của Thái tử, mới có thể dùng tới hai chữ “dạy học” mà thôi.

 

Một tên Biên tu nho nhỏ của viện Hàn Lâm, thế mà lại dám cả gan “dạy học” cho Thái tử, chẳng lẽ chán sống rồi sao?

 

Thiên tử không lỡ lời đấy chứ?

 

Suy nghĩ trong đầu Dương Toản bỗng chốc trở nên phức tạp, mà ý niệm sau so ra lại càng kinh khủng hơn ý niệm trước, vì lẽ đó, trong nhát mắt, tâm tư hắn chẳng khác nào bão nổi.

 

“Bệ hạ, vi thần kiến thức chưa sâu, tài năng hạn hẹp, thực không dám vọng tưởng tới chuyện dạy học cho Thái tử điện hạ.”

 

“Trẫm biết ngươi không phải là kẻ bất tài vô dụng cầm đao xẻ gấm, chỉ vì thời thế mà buộc phải che giấu tài năng an phận thủ thường. Hôm nay trong Noãn các này, ngươi có thể tận lực nói hết những lời vẫn luôn cất giữ. Lỗ mãng một chút cũng không sao, nhưng nếu dám không thật lòng, nhất định sẽ bị phạt.”

 

Nghe được lời ấy, Dương Toản lại hoàn toàn không có cảm giác nhẹ nhõm một tý nào.

 

Hắn quỳ xuống một lần nữa, không kịp ai thán cho cái đầu gối đập lên mặt đá đau nhức của mình đã cẩn thận lấy luận văn được giấu sẵn trong ngực mình ra. Đáng tiếc, ba tầng vải thô bao bọc bên ngoài đều bị nước mưa thấm ướt, trên mặt giấy được trải rộng, nét mực đã thành loang một mảnh mơ hồ.

 

Dương Toản nhịn không được mà loáng thoáng nhíu mày.

 

Đáng lẽ hắn nên dự liệu từ trước, mưa to gió lớn thế này, đến người còn biến thành chuột lột thì ba lớp vải thô có giá trị gì đâu.

 

“Bệ hạ, mấy ngày trước thần đột nhiên có hứng thú, viết ra mấy bài luận văn, vốn muốn trình lên Thái Tử, nhưng lại vì dầm mưa cho nên đã không thể xem được nữa.”

 

Vo mấy tờ giấy thành một nắm tròn, Dương Toản hít vào một hơi thật sâu, tiếp tục nói, “Nhận được thánh ân của bệ hạ, hiện tại vi thần sẽ trực tiếp trình bày, nếu có chỗ nào không thỏa đáng, mong bệ hạ ân xá cho.”

 

“Nói đi.”

 

Dương Toản viết những thứ gì, Hoằng Trị đế cũng không nắm chắc được. Những ngày tháng hôn mê, báo cáo của Cẩm Y vệ dâng lên đã chất thành một đống, hiện tại sau khi hồi tỉnh, hắn lại nhận thấy đại nạn đã gần kề, cho nên không dành thời gian đọc nữa, chỉ vội vàng an bài mọi việc tương lai, còn những chuyện khác, cứ thuận theo lẽ tự nhiên đi.

 

Ba vị Các lão đều là những người tài năng trác tuyệt, thừa sức phụ tá Thái tử gánh vác đế nghiệp, gìn giữ giang sơn. Tuy nhiên, xuất phát từ tấm lòng một phụ thân, hắn vẫn kiên trì tuyên triệu Dương Toản.

 

Thái tử có thể an tâm dốc lòng cầu học, công trạng của Dương Toản không hề nhỏ. Vì lo nghĩ cho ngày sau, hắn nhất định phải xác nhận lại một lần, đảm bảo bản thân đã không chọn lầm.

 

Dương Toản hiểu rõ đây là “khảo nghiệm cuối cùng của Hoằng Trị đế.”

 

Có thể trót lọt qua cửa hay không, Dương Toản cũng chẳng bận tâm lắm, thế nhưng chắc chắn hiện tại đã không còn đường lui. Ngay khoảnh khắc bước vào cung Càn Thanh, hắn đã mất đi quyền tự lựa chọn vận mệnh của bản thân mình rồi.

 

Trở thành cánh tay phải của tân quân để rồi một bước lên mây, hay là rớt xuống vực sâu và quay về Chiếu ngục.

 

Là phúc hay họa, tất cả ở đều phụ thuộc vào lần ra trận này, mà cũng hoàn toàn dựa vào một ý niệm trong đầu Thiên tử.

 

“Vi thần bất tài, là kẻ xuất thân hương dã, cả trí tuệ và tri thức đều không vượt quá bức tường ngang vai. Nay nhờ ân điển của bệ hạ mà được đề tên bảng vàng, bước chân vào viện Hàn Lâm, sau còn được chọn tới Hoằng Văn quán, chỉ thấy sợ hãi vô cùng. Mỗi lần giảng đọc, nghiên cứu học tập cùng Thái tử điện hạ, thần đều thấp thỏm không yên, chỉ e tài sơ học thiển của mình cô phụ thánh ân.”

 

“Văn võ bá quan trong triều ai cũng ôm ngọc nắm châu, kinh luân đầy bụng, danh vọng cao vời.”

 

“Thần tài hèn ít học, địa vị nhỏ nhoi, không dám luận bàn kinh bang tế thế. Nhưng, nhớ tới ân trời nghĩa biển của bệ hạ, lại nhớ tới thâm tình hậu ý Thái tử dành cho, thần liền vì Đông cung mà suy tính, xin trình lên bệ hạ ba vấn đề.”

 

Nói xong những lời này, tư thế Dương Toản càng thêm vững vàng, mà biểu tình trên mặt cũng vô cùng nghiêm nghị.

 

Tinh thần Hoằng Trị đế không tốt, song hai mắt vẫn chuyên chú dừng lại trên người Dương Toản, mơ hồ mang theo một chút chờ mong.

 

Mà Chu Hậu Chiếu cũng không hề mở miệng, chỉ chớp chớp đôi mắt to tròn, tựa hồ cảm thấy vô cùng hứng thú với những điều Dương Toản sắp nói.

 

“Vấn đề thứ nhất thần muốn nói tới chính là, ‘năng rèn hiếu nghĩa’. Xin hãy dùng 《 Hiếu kinh 》 làm chuẩn mực tổ chức Kinh diên(*) để dạy và học trong Hoằng Văn quán, nhằm thúc đấy Thái tử điện hạ đề cao phẩm đức gìn giữ lễ nghi, tự mình rèn luyện.”

(*) Kinh diên: là cách gọi của những buổi giảng đọc định kỳ trước mặt vua chúa thời phong kiến, nó cũng như những buổi tọa đàm quy mô ở thời hiện đại. Trong Kinh diên, các học sĩ viện Hàn Lâm cùng với những quan viên khác sẽ đóng vai trò giảng đọc, phân tích về một luận điểm cụ thể nào đó, ở đây, DT đề nghị lấy Hiếu kinh làm chủ đề chính.

 

“Chuẩn tấu.”

 

“Thứ hai, chính là ‘biết cách dùng người’. Cổ nhân có câu, gần hiền đức, xa gian tà, thà chọn quân tử thẳng thừng chỉ trích chứ đừng lấy tiểu nhân nịnh bợ a dua. Phân tách sĩ tốt lão luyện tài năng, nhìn thấu nhân tâm thiện – ác, cẩn thận với mầm họa từ những dè bửu gièm pha hòng lấy lòng Điện hạ của đám tôi tớ trong cung.”

 

“Tốt.”

 

“Thứ ba, ‘thận trọng chọn người phụ trợ’.” Dương Toản dừng một chút mới tiếp tục nói, “Xin hãy chọn quốc sĩ vào Đông cung để cùng giảng đọc với Thái tử điện hạ. Ít nói về sự nhún nhường của vua Nghiêu – đế Thuấn, hãy nói tới sự hưng thịnh và suy vong của tiền triều, nói về những khó khăn trong quá trình gìn giữ giang sơn mà Cao Hoàng đế sáng lập. Hãy nhắc đi nhắc lại sự hung tàn của ngoại xâm, sự nguy cấp nơi biên cương phía Bắc, sự khốn khổ của con dân và những nhọc nhàn của bá tánh bình thường. ”

 

Nói đến đây, Dương Toản lại khấu đầu, cất cao giọng, “Thái tử điện hạ trời sinh thông minh cơ trí, thiện lương thuần hiếu, một khi được tiếp cận phương thức trị quốc của các bậc Đế vương, đồng thời được những đại thần trụ cột phò tá, nhất định có khả năng gánh vác đại nghiệp tổ tiên, tiếp quản vạn dân, thành công trị vì thiên hạ!”

 

“Rất tốt!”

 

Hoằng Trị đế vỗ tay thật mạnh, tinh thần nhất thời trở nên kích động cực kỳ, sắc mặt cũng theo đó mà thoáng ửng hồng, thoạt nhìn hưng phấn hơn so đám người Lưu Kiện cả trăm lần.

 

“Dương Toản.”

 

“Có thần.”

 

“Ngươi đứng lên.”

 

“Thần tuân chỉ.”

 

Dương Toản đứng dậy, Hoằng Trị đế chống một tay xuống mặt giường, tay còn lại run rẩy đặt lên lưng Chu Hậu Chiếu.

 

“Chiếu nhi.”

 

“Có nhi thần.”

 

“Từ hôm nay trở đi, thấy Dương Toản, con phải hành lễ thầy – trò.”

 

“Bệ hạ, trăm triệu lần không được.”

 

“Phịch” một tiếng, Dương Toản lại đột ngột quỳ xuống.

 

Thanh âm kia, chỉ nghe thôi đã khiến lòng người phát run.

 

“Chiếu nhi.” Hoằng Trị đế thu tay, tiếp tục nói, “Hành lễ.”

 

Không đợi Dương Toản mở miệng khước từ thêm lần nữa, Ninh Cẩn Hòa và Phù An đã đồng loạt tiến lên, mỗi người một bên “đỡ” Dương tiểu Thám hoa dậy, thậm chí đối phương đứng vững vẫn một mực không chịu buông tay. Mãi đến khi Thái tử bước tới, khom người hành lễ, gọi Dương Toản một tiếng “thầy”, mới theo ám hiệu của Hoằng Trị Đế mà khom người lui xuống.

 

Hoàng đế không trâu bắt chó đi cày, Dương Toản thật sự chẳng biết nên khóc hay nên cười nữa.

 

Hắn trình bày những vấn đề trên, vốn là để việc “ra tù” được dễ dàng hơn, cũng thuận tiện làm một bước đệm cho con đường quan chức sau này, hi vọng mọi thứ êm xuôi trót lọt, nào ngờ lại trực tiếp đả động tới tâm tư Hoàng đế, để rồi được chọn thẳng vào Đông cung dạy học đâu.

 

Cái chuyện bỗng chốc nổi danh trong triều đình, Dương Toản không cách nào tưởng tượng, cũng chẳng biết rồi sẽ có bao nhiêu minh thương ám tiễn bay tới nữa đâu.

 

Điều duy nhất hắn có thể khẳng định chính là, mình sẽ trở thành tấm bia ngắm chói lọi, bên trên được khắc mấy chữ rõ rành rành: “Xin hãy phóng tiễn vào đây!”

 

Vì mạng sống mà suy tính, Dương Toản quyết định to gan lớn mật một lần, cắn răng, cất cao giọng, “Bệ hạ, vi thần có lời muốn nói.”

 

“Nói đi.”

 

“Xin bệ hạ ban cho thần một cây thước sắt.”

 

Thước sắt?

 

Hoằng Trị đế không hiểu công dụng của thứ này, nhưng Chu Hậu Chiếu thì lại rất mực rõ ràng. Nhớ tới sự tích Dương Toản bị “đánh vào tay”, cả người nó liền cứng ngắc.

 

“Điện hạ đơn thuần lương thiện, thông minh sáng suốt, cũng có tâm cầu học. Tuy nhiên, lòng người khó đoán, chỉ sợ sẽ có những kẻ xấu xa ở bên phỉnh nịnh lừa gạt, hòng dẫn nhầm lối chỉ sai đường. Nay xin bệ hạ ban cho thần một cây thước sắt, cho phép thần vạch tội kẻ gian, thẳng tay trừng phạt, nghiêm khắc dạy dỗ, tuyệt không dung tình!”

 

Nói tóm lại, Thái tử điện hạ là người tốt, hiếu động ham chơi, nhưng vẫn có thể quản thúc sửa đổi được. Song, không ai dám đảm bảo sẽ không có tiểu nhân nịnh bợ bất chợt nhảy ra, dùng mấy lời xảo trá lọc lừa, khiến Thái tử điện hạ chệch đường.

 

Gặp tình huống như vậy, ba vị Các thân hoặc những học sĩ viện Hàn Lâm ắt sẽ có biện pháp để xử lý, nhưng một tiểu quan thất phẩm có tiếng mà không có miếng như Dương Toản, đừng hòng răn đe quở trách bất cứ ai, thậm chí còn dễ dàng bị giẫm chết dưới chân một vị đại quan nhất phẩm.

 

Song, nếu Thiên tử có thể ban thước sắt, tình huống sẽ hoàn toàn khác biệt.

 

Vật ngự ban nắm chặt trong tay, cũng chính là vương lệnh.

 

Kẻ dám dụ dỗ Thái tử chểnh mảng học hành, đánh!

 

Kẻ dám rủ rê Thái tử chơi bời lêu lổng, càng phải đánh!

 

Kẻ buông lời gièm pha, lôi kéo Thái tử đi vào con đường lệch lạc, phải đánh đến chết mới thôi!

 

Thiên tử mạnh mẽ ấn đầu trâu(*), Dương Toản không thể nào phản kháng, chỉ đành nỗ lực tìm cách bảo vệ sự an toàn của bản thân. Bất kể là suy tính từ phương diện nào thì việc xin một cái thước sắt cũng hoàn toàn không có gì đáng để chê trách.

(*) Ấn đâu trâu: xuất phát từ câu “按牛头吃不得草”: ấn đấu không cho trâu ăn cỏ, ý nghĩa của nó là mạnh mẽ quyết tâm thực hiện một việc nào đó, thậm chí là bất chấp mọi thủ đoạn khiến đối phương triệt để không có đường lùi

 

Tay cầm thước sắt vua ban,  kiên trì giữ gìn hình tượng “phu tử” tới cùng, vậy thì ai Dương tiểu thám hoa cũng đều không sợ.

 

Nghe người nọ nói không phải xin thước để đánh mình, Chu Hậu Chiếu bỗng chốc thở phào nhẹ nhõm.

 

Hoằng Trị Đế nhanh chóng hiểu ý Dương Toản, lập tức sai Phù An mở nội khố tìm thước. Thước sắt không có, thế nhưng lại có một cây thước vàng.

 

“Thần tạ ơn bệ hạ!”

 

Trên đánh hôn quân, dưới đánh thần tử gièm pha, đó chỉ là chuyện hoang đường. Song có thước vàng ở trong tay, xử lý vài tên hoạn quan cũng không còn khó nữa, đặc biệt là vị “Hoàng đế đứng(*)” nổi tiếng khắp chốn giang hồ kia, phải đánh là chắc chắn rồi, còn chuyện đánh cho gần chết hay là chết hẳn thì phải dựa vào tâm ý của Dương Biên tu.

(*) Hoàng đế đứng: đây là suy nghĩ của Lưu Cẩn trong chính sử, ý nói, hắn toàn quyền thao túng triều đình, ngoại trừ lúc lâm triều phải đứng chứ không thể ngồi ra thì không khác gì một hoàng đế cả.

 

Bề tôi và quân vương bên tấu bên chuẩn một phen, Hoằng Trị Đế liền giải quyết được một mối băn khoăn vẫn luôn canh cánh trong lòng. Hắn thả lỏng toàn thân, rốt cuộc không chống đỡ nổi nữa mà yếu ớt ngã vào thành tháp.

 

“Phụ hoàng!”

 

Chu Hậu Chiếu lo lắng kêu lên, Ninh Cẩn lập tức sai người truyền gọi thái y vẫn luôn túc trực ở thiên điện.

 

Dương Toản không được phép ở lại, vì thế Phù An dẫn hắn đi ra ngoài Noãn các.

 

Ở ngoài phòng sưởi, Phù An lấy ra một miếng lệnh bài bên trên có khắc một chữ “Văn”, bốn cạnh còn được mạ viền vàng, dùng hai tay kính cẩn đưa cho Dương Toản.

 

“Dương Biên tu hãy cất kĩ,” Phù An tiếp tục nói, “Đây là quy chế trong cung, chỉ cần đeo lệnh bài bệ hạ ban cho và lệnh bài tham triều thì thời điểm ra vào cung cấm sẽ không bị thủ vệ nội cung ngăn cản.”

 

Trịnh trọng tiếp nhận lệnh bài, cách một cánh cửa Dương Toản cúi người cảm tạ long ân.

 

“Dương Biên tu vừa ra khỏi Chiếu ngục, không cần vội vã tới viện Hàn Lâm điểm danh đâu.”

 

Phù An khép ống tay áo, lộ ra nét mặt đầy rẫy ưu tư.

 

“Từ ngày mai có thể sẽ có chiếu chỉ ban xuống, Dương biên tu cừ chậm rãi mà đợi.”

 

“Đa tạ công công nhắc nhở.”

 

Dương Toản chắp tay, Phù An gật đầu. Đã đến cấp bậc này rồi, đối với Phù An mà nói, thành tâm cảm tạ còn chân thực hơn so với vàng bạc châu báu rất nhiều.

 

Phù An quay người trở về Noãn các, bên này đã sớm có trung quan mang áo mưa tới cho Dương Toản. Cất thẻ bài và thước vàng đi, hắn khoác áo mưa lên rồi cất bước đi ra ngoài cửa điện.

 

Trong một nháy mắt, sấm rền dội xuống, tia chớp lóe lên, tiếng mưa tiếng gió bỗng chốc đập vào màng nhĩ.

 

Dừng chân trên thềm đá, Dương Toản quay đầu nhìn lại.

 

Dưới mái hiên cong, nội vệ một thân áo giáp sắc nét rõ ràng, tay cầm trường kích hiên ngang mà đứng, gió thổi không lay, mưa đánh không động, tựa như đã trở thành cột trụ của vương triều, cứ thế hòa làm một thể với hoàng cung nội điện.

 

Cửa điện bỗng nhiên bật mở, một trung quan hốt hoảng chạy ra, chân trượt một cái, lăn xuống mấy bậc thềm, nhưng lại vội vàng đứng dậy, lau đi vết máu trên thái dương, vọt thẳng vào màn mưa xối xả.

 

Dưới hành lang có cung nhân vội vàng đi qua, áo tím quần đỏ lưu động, như phác họa hư ảnh vào trong mưa.

 

Cửa điện khép lại, trục cửa vang lên một tiếng “két—“ xuyên thấu cả màn mưa, hệt như búa tạ nện thẳng vào lòng Dương Toản.

 

Đè áo mưa xuống, khép chặt áo khoác, Dương Toản bước xuống thềm đá.

 

Tỉnh lại ở khách điếm, thi Đình thấy mặt vua, tranh phong với những người cùng đỗ đạt, vào Hàn Lâm viện, được tuyển tới Hoằng Văn quán, tạm trú nơi Chiếu ngục…  Mỗi một bước đi, đều xác thực dấu vết hắn lưu lại ở thời đại này.

 

Dừng chân trong mưa, hỏi han mấy tên trung quan vô tình gặp gỡ, Dương Toản nhắm hai mắt lại, mặc cho nước mưa hung hăng quất thẳng vào người.

 

Vận nước trăm năm, vị quân vương của thời trung hưng, sợ là sau hôm nay, sẽ không còn cơ duyên gặp lại.

 

Trong buồng sưởi phía đông, Hoằng Trị đế nằm ngửa trên giường, mặt như giấy vàng, hô hấp mỏng manh yếu ớt.

 

Viện sử và Viện phán của viện thái y lần lượt vào thăm bệnh, cuối cùng đều mang vẻ mặt chán nản lắc đầu đi ra.

 

Chu Hậu Chiếu không kìm nổi nước mắt, quỳ rạp xuống trước ngự tháp, cất lên tiếng khóc khàn khàn.

 

“Phụ hoàng!”

 

Hoằng Trị đế hơi nghiêng đầu, khó khăn nói, “Phụ hoàng không thể chờ được ngày đại hôn của con rồi.”

 

“Phụ hoàng!”

 

“Đừng khóc!” Lau nước mắt trên khuôn mặt Chu Hậu Chiếu, hắn dùng thanh âm tràn đầy tiếc nuối và bất cam, “Vốn dĩ phụ hoàng muốn kiên trì tới lễ trưởng thành của con…”

 

Nói được một nửa, khí tức của Hoằng Trị đế lại mỏng đi một chút, có vài tiếng tựa hồ không thể nghe ra, hắn mạnh mẽ chống đỡ, tiếp tục dặn dò, “Tổ tiên đã có quy định, cứ lấy lễ tang của Cao Hoàng đế làm chuẩn mực, cũng bái ma chay ngàn vạn lần không được làm quá!”

 

“Vâng!”

 

“Làm tròn hiếu đạo, tu tâm dưỡng tính…. cần chính thương dân… gần hiền thần, xa gian tặc, trọng dụng công thần phò tá, vĩnh viễn giữ gìn tấm lòng phẩm chất thuần lương tốt đẹp.”

 

“Nhi thần xin nghe theo lời phụ hoàng dạy bảo!”

 

Dùng chút khí lực cuối cùng nắm tay nhi tử, Hoằng Trị đế cứng giọng nói, “Hậu cung không được can thiệp triều chính, họ hàng bên ngoại không được nắm quyền cao, nhớ kỹ!”

 

“Nhi thần… tuân chỉ!”

 

Lùi về phía sau nửa bước, Chu Hậu Chiếu quỳ xuống khóc như mưa trước ngự tháp.

 

“Tốt… tốt…”

 

Khóe miệng căng ra tạo thành một tia cười nhạt, cuối cùng Hoằng Trị đế khép mắt, đột ngột qua đời.

 

“Phụ hoàng!”

 

Chu Hậu Chiếu bất chợt lao lên, nắm chặt bàn tay còn vương hơi ấm ít ỏi của Hoằng Trị Đế, thất thanh khóc rống.

 

Trong cung Khôn Ninh, Hoàng hậu nhận được tin buồn liền kêu lên một tiếng đầy bi thương, lao khỏi cửa cung, khoảnh khắc bước xuống bậc thềm, vô ý vấp phải đuôi váy mà ngã xuống làm trâm cài rơi rớt tứ tung, trong khoảnh khắc, hoa dung thất sắc, tóc mai tán loạn.

 

“Hoàng hậu!”

 

“Lui ra!”

 

Không quan tâm bùn đất dính vào áo váy, nước mưa thấm ướt thân mình, sau khi đứng lên nàng lại xách váy vội vã chạy vào màn mưa.

 

Vì sao ngay cả một lần sau cuối cũng không nguyện ý cho nàng gặp mặt?

 

Vì sao?

 

Băng qua điện Giao Thái, Trương Hoàng hậu đã không còn bao nhiêu sức lực, ngã bệt dưới đất, nhìn cung Càn Thanh ở phía xa xa, một tay cầm khăn lụa đỏ, khóc đến tim đau máu chảy.

 

“Hoàng hậu!”

 

Cung nhân không dám tùy tiện kéo nàng, chỉ đành xoay người đứng xung quanh, miễn cưỡng che chắn vài phần mưa gió.

 

Nhận được tin tức, Vương thái hậu và Ngô thái phi lần lượt tìm tới cửa, thấy cảnh hoàng hậu khóc lóc nức nở, cũng đứng bất động trong mưa, không cách nào cầm được nước mắt.

 

Ngày Tân Mão tháng năm năm Hoằng Trị thứ mười tám, giờ Ngọ canh ba, Thiên tử băng hà.

 

Sấm chớp bao phủ kinh thành, mưa gào gió thét nhấn chìm hoàng cung.

 

Không lâu sau, Phụng Thiên môn được mở ra, vô số khoái mã lao đi nhanh như tên bắn.

 

Trong ngoài hoàng thành, đền chùa đạo quán đều liên tục gióng chuông. Từng hồi chuông vang lên tựa như muốn đánh tan tiếng sấm.

 

Nghe tiếng chuông đổ, tất cả văn võ bá quan đều giật mình kinh sợ không thôi.

 

Binh mã ngũ thành và nha dịch phủ Thuận Thiên đội mưa đi tuần, tất cả trà lâu tửu quán đều không được tiệc tùng ca hát, toàn bộ gấm vóc tơ lụa màu sắc rực rỡ khắp kinh thành đều phải thu hồi, thay vào đó là vải gai trắng toát được treo ra.

 

Tiếng chuông không ngừng vang lên, báo hiệu nỗi biệt ly vĩnh viễn. Mười tám năm Hoằng Trị trung hưng đã đi đến những khoảnh khắc cuối cùng, một thời đại khác của vương triều Đại Minh lại được chậm rãi chậm rãi mở ra.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Xin hãy nhập captcha *