Đế sư – Chương 18

 

c18

ĐẾ SƯ

Chương 18: Thi Đình (3)

Edit: Mimi

Beta: Ame

*****

 

 

Dứt bỏ nghi hoặc trong lòng, đứng dưới bậc thềm trước mặt Hoàng đế, Dương Toản hành lễ lại một lần.

 

Ba trăm ánh mắt của đám Cống sĩ thẳng một đường phóng tới, như mũi nhọn không ngừng đâm chọc sau lưng, muốn bình thản ung dung, chuyện này thực sự là không dễ.

 

Mở luận văn của Dương Toản ra, Hoằng Trị đế lên tiếng, câu nói đầu tiên thế nhưng không phải biểu dương, mà là hỏi.

 

“Trẫm hỏi ngươi về đạo trị quốc, ngươi không đề cập tới chính lệnh xâm phạm biên cương, nhà cửa đất đai đời sống dân sinh, ngược lại, lại nói tới thương buôn, vì sao vậy?”

 

Lời vừa ra khỏi miệng, mười bốn giám khảo bất động thanh sắc, đa số Cống sĩ vạn phần kinh ngạc, ánh mắt dừng lại trên người Dương Toản, từ ao ước đố kị dần dần biến thành khinh miệt, thậm chí mang theo vài phần hèn mọn.

 

Trong ‘sĩ – nông – công – thương’, thương xếp sau cùng.

 

Thương nhân trục lợi, có tiếng là keo kiệt bủn xỉn, đa phần bị thế nhân xem nhẹ.

 

Thiên tử hỏi ý kiến về sách lược trị quốc, ngay cả một kẻ sống ở nơi hương dã kiến thức nông cạn, không hiểu được tộc Tác-ta ở biên giới phía Bắc, hay bọn Thổ-ti ở vùng biên giới phía Nam là cái gì, cũng sẽ trình bày về chính lệnh xóa bỏ những tệ nạn trộm cướp, lưu dân tha hương xa xứ, vân vân…

 

Ở trên đại điện, trước mặt Thiên tử, Cống sĩ nọ lại nói tới thương buôn, quả thực là ngu dốt, không biết cái là đúng là sai!

 

Hồ Sống sĩ thấy thế lại càng cười lạnh mãi không thôi. Giao du với loại người như vậy, thế mà còn không biết xấu hổ, thực là mất hết mặt mũi của người đọc sách! Thiên tử thánh minh, đặt ra câu hỏi này, hẳn cũng không phải là coi trọng, mà chính là cực kỳ bất mãn, muốn trách cứ tên tầm thường nọ ở trước mặt mọi người. Hạng người thiếu hiểu biết lại mơ mơ hồ hồ được chọn vào đây, thu hồi tư cách thi thố ngay trên đại điện, đích thực làm cho người ta sảng khoái.

 

Cảnh tưởng Dương Toản bị những chiến tướng cao lớn lôi xềnh xệch ra ngoài đại điện dường như đã hiện ra ngay trước mắt, vì thế Hồ Sống sĩ càng cười đắc ý hơn.

 

Đám người Lý Thuần lộ vẻ lo âu đầy mặt, song lại không giúp được gì. Tạ Phi thoáng chốc tiêu tan vẻ chắc chắn lúc vừa rồi, ánh mắt dừng ở trên người Dương Toản, cũng có vài phần lo ngại.

 

Ý tứ của Thiên tử thực khó có thể phỏng đoán được.

 

Nếu quả thực không thích Dương Toản mà truy hỏi rồi khiển trách ngay trên đại điện, vậy thì phải làm như thế nào đây?

 

Đối mặt với câu hỏi của Thiên tử, các giám khảo tỉnh bơ, chúng sĩ tử thì lại nghi ngờ, mà ánh mắt Dương Toản lại nhìn thẳng, phong thái điềm tĩnh trầm ổn, không hề thấp thỏm bất an một chút nào.

 

Nhìn thấy biểu hiện này, Hoằng Trị đế chỉ phất ống tay áo rộng dài, chưa bộc lộ thêm gì hết.

 

Ninh Cẩn ở ngay gần đó, tự nhiên nắm được một suy nghĩ bất chợt lóe ra trong mắt Thiên tử.

 

Tất cả chỉ có hai chữ: vừa lòng.

 

Thiên tử còn chờ lời đáp, Dương Toản không thể trì hoãn thêm, hít sâu một hơi, mở miệng nói: “Bẩm bệ hạ, tiểu dân nói về thương buôn, thật sự chính là luận dân sinh.”

 

“Sao?”

 

“<Kinh thư> (1) có viết: dân là vốn liếng của nước nhà, vốn mạnh thì nước yên. Thái sử nói về Quản tử (2) có nhắc tới một câu: tiền tích tài cóp thì nước giàu binh mạnh.”

(1) Kinh Thư (書經 Shū Jīng) hay còn gọi là Thượng Thư (尚書) là một bộ phận trong bộ sách Ngũ Kinh của Trung Quốc, ghi lại các truyền thuyết, biến cố về các đời vua cổ có trước Khổng Tử. Khổng Tử san định lại để các ông vua đời sau nên theo gương các minh quân như NghiêuThuấn chứ đừng tàn bạo như KiệtTrụ. Nội dung Kinh Thư chủ yếu là ghi chép lại lời nói của vua tôi thời thượng cổ (NghiêuThuấn) cho đến thời nhà Hạnhà Thương và thời Tây Chu. Từ khi Hán Vũ Đế bắt đầu đặt chức Ngũ kinh bác sĩ, địa vị của Kinh Thư không hề thay đổi. Quá trình biên soạn, chỉnh lý và lưu truyền của Kinh Thư cực kỳ phức tạp, trong lịch sử xuất hiện quá nhiều văn bản có bố cục, nội dung và thể chữ khác nhau, một bộ phận được các học giả trong triều đình tổ chức chỉnh lý, hiệu đính và ban hành thành bản chính thức. Văn bản Kinh Thư ngày nay chủ yếu xuất hiện vào thời Đông Tấn, nguồn gốc của nội dung một số thiên trong văn bản này bắt đầu bị nghi ngờ từ thời Nam Tống. Đến đầu thời nhà Thanh, một số thiên trong Kinh Thư bị các học giả như Diêm Nhược Cừ xác định là giả (ngụy thư), thậm chí bị loại bỏ ra khỏi Kinh Thư.

(2) Thái sử nói về Quản tử: Một cuốn sách sử quan thời Tề ghi chép lại về Quản Trọng – chính trị gianhà quân sự và nhà tư tưởng Trung Quốc thời Xuân Thu (685 TCN). Quản Trọng đã hiện đại hóa nước Tề thông qua việc tiến hành rất nhiều cải cách. Về mặt chính trị, ông tập trung hóa quyền lực và phân chia nước thành nhiều làng, mỗi làng tập trung vào một lĩnh vực thương mại riêng. Thay vì dựa vào giai cấp quý tộc để thu thuế như truyền thống trước kia, ông áp dụng tiền thuế trực tiếp tới mỗi đơn vị làng xã. Ông cũng phát triển một biện pháp lựa chọn người tài mới và có hiệu quả hơn. Dưới thời Quản Trọng, nước Tề chuyển từ chế độ quan liêu quý tộc sang chế độ quan liêu chuyên nghiệp. Quản Trọng cũng đề xuất nhiều cải cách kinh tế quan trọng. Ông đưa ra một biểu thuế thống nhất. Ông cũng sử dụng nguồn lực nhà nước để khuyến khích sản xuất muối và sắt; các nhà sử học thường cho Quản Trọng là người đề xướng ra sự độc quyền nhà nước về hai mặt hàng này. Khi ông làm Tể tướng, nước Tề trở thành nước hùng mạnh nhất và Tề Hoàn Công được phong làm bá chủ chư hầu.

 

Trong điện lại là một mảnh tĩnh lặng, biểu tình của Hoằng Trị đế khẽ động, mười bốn giám quan cũng trở nên nghiêm nghị hơn.

 

Quản Trọng được vinh danh là “Thầy của Thánh nhân” vào thời Xuân – Thu chiến quốc, tinh thông cả chính trị, thương buôn, binh pháp, đã phò trợ Tề Hoàn công (*) hoàn thành bá nghiệp.

(*)Tề Hoàn công (chữ Hán: 齊桓公; trị vì: 685 TCN – 643 TCN[1][2]), tên thật là Khương Tiểu Bạch (姜小白), là vị quân chủ thứ 16 nước Tề, một chư hầu của nhà Chu trong lịch sử Trung Quốc. Tề Hoàn công là vị quân chủ chư hầu xưng bá chủ đầu tiên thời Xuân Thu. Ông thường được xếp vào hàng đầu tiên của danh sách Ngũ bá.

 

Dưới ngòi bút của Thái sử công, vị này được coi là trụ cột của nước nhà, tài năng trị thế có thể sánh ngang thần thánh, đến cả Khổng thánh nhân (*) cũng tán thưởng vị ấy có đủ tài năng đức độ để cứu giúp chúng sinh trong toàn thiên hạ.

(*) Khổng thánh nhân: Khổng Tử. Trong lịch sử Trung Quốc đã tôn 10 nhân vật nổi tiếng trong 10 lĩnh vực, gồm các nhân vật sau: 1 – Văn Thánh – Khổng Tử (nhà tư tưởng thời Xuân Thu); 2 – Binh Thánh – Tôn Vũ (nhà quân sự thời Xuân Thu); 3 – Sử Thánh – Tư Mã Thiên (nhà sử học thời Tây Hán); 4 – Y Thánh – Trương Trọng Cảnh (lang y thời Đông Hán); 5 – Võ Thánh – Quan Vũ (tướng lĩnh thời Đông HánTam Quốc); 6 – Thư Thánh – Vương Hi Chi (nhà thư pháp thời Đông Tấn); 7 – Họa Thánh – Ngô Đạo Tử (họa sĩ thời Đường); 8 – Thi Thánh – Đỗ Phủ (nhà thơ thời Đường); 9 – Trà Thánh – Lục Vũ (nhân vật thời Đường); 10 – Tửu Thánh – Đỗ Khang (nhân vật thời Chu).

 

“Hoàn công chín lần họp chư hầu mà không phải dùng võ lực, đó là nhờ tài sức của Quản Trọng!”

 

Lời ấy xuất từ miệng Khổng thánh nhân, cho dù Chu thánh nhân (*) có sống lại, cũng không có lập trường để tranh luận.

(*) Mị quả thực không rõ Chu thánh nhân là chỉ ai, có 2 nhân tài kiệt xuất của Trung quốc cổ là Chu Văn Vương – một thủ lĩnh bộ tộc Chu cuối thời nhà Thương trong lịch sử Trung Quốc. Ông là người đã xây nền móng triều đại nhà Chu trong lịch sử Trung Quốc; và Chu Công –  là công thần khai quốc nhà Chu trong lịch sử Trung Quốc. Ông có công giúp Chu Vũ vương Cơ Phát lập ra nhà Chu, giành quyền thống trị Trung Hoa từ tay nhà Thương. -_-

 

Bậc hiền triết quá cố đã nói như vậy là chính, Công luận của Thái sử ghi chép lại là phụ. Hai người đồng thời có chung ý kiến, đám Các lão Lưu Kiện, Tạ Thiên không thể không coi trọng, những cống sĩ chưa được vào triều phong quan lại càng không dám khinh nhờn.

 

Sĩ – nông – công – thương, thương đứng hạng chót.

 

Nhưng vị tướng nổi tiếng thời Xuân – Thu, Quản Trọng lại quả quyết rằng, muốn để nước giàu binh mạnh, phò trợ Tề Hoàn công hoàn thành bá nghiệp, phải thập phần coi trọng thương buôn.

 

Lịch sử có minh chứng rõ ràng, còn ai lại dám cãi chày cãi cối?

 

“Tiểu dân nguyên quán Tuyên phủ, nhiều đởi ở tại huyện Trác Lộc, xuất thân hương dã, kiến thức nông cạn, gặp được ân đức trời biển của Thiên tử, có cơ hội ứng đối trước mặt rồng, tất là không dám vọng ngôn nói tới chính sự cùng quân đội, chỉ có chút kiến giải vụng về về nhân sinh, cho nên cả gan nói một vài câu.”

 

Nói đến đây, Dương Toản cố ý dừng một chút, sắp xếp lại ngôn ngữ trong đầu.

 

“Thánh nhân đã nói, dân là vốn liếng nước nhà.”

 

“Sĩ vì nước mà vác trên vai gánh nặng, nông vì nước cấy cày tích lũy căn cơ, thương nhân thì như nước Trường Giang cùng với Hoàng Hà, chảy qua chảy lại. Nơi dòng nước đi qua, hoang mạc cũng có thể sinh sôi ra cỏ cây.”

 

“Cái mà chúng dân trăm họ mưu cầu, trước tiên chính là cơm áo. Mua dâu tằm bông vải đay gai, cần thương nhân. Bán hoa màu thóc gạo dư dật, cần thương nhân. Vận chuyển hàng hóa lui tới khắp nơi, từ Nam ra Bắc, có thể nào không cần đến thương nhân?”

 

“Thiên hạ náo nhiệt rộn ràng, cũng vì lợi mà đến; thiên hạ vặng lặng đìu hiu, đều vì lợi mà đi. Thương nhân theo đuổi lợi ích cá nhân, điều này không phải là giả, thế nhưng thương nhân cũng là những kẻ có thể tập hợp tiền tài.”

 

Dương Toản hơi hơi ngửa đầu, vẫn thấy không rõ khuôn mặt Thiên tử, vì thế ngữ khí lại càng thêm kiên định.

 

“Tiểu dân cả gan, mượn lời của bậc thánh nhân như vậy. Nhưng, thật sự là dân giàu thì tài vật phong phú, tài vật phong phú thì quân binh cường hãn, quân binh cường hãn thì quốc gia mới hùng mạnh lâu dài.”

 

“Thiên tử có thánh đức, quần thần dốc lòng phò trợ, dân giàu quân mạnh, làm sao nước có thể yếu kém đây!”

 

Chưa đến mười câu, đề là lời nhẹ nghĩa sâu, dư âm vẫn còn văng vẳng bên tai mọi người, thật lâu thật lâu không hề tiêu tán.

 

Hoằng Trị đế khẽ gật đầu, Mã Văn Thăng ý cười khó nén, Tạ Thiên chưa biểu lộ gì, Lý Đông Dương vẫn duy trì biểu tình lạnh nhạt.

 

Mà Lưu Kiện thì lại cảm thấy có chút kinh ngạc rồi.

 

Lời người nọ nói ra, thực đúng là phi thường hợp với kế hoạch mà Nội các sắp đặt.

 

Đây là trùng hợp, hay là cố ý luận vào?

 

Bất kể trường hợp thứ nhất hay thứ hai, đều chứng minh hắn đã lường trước rồi mới bước đi. Người này thực không giống hạng người thâm sâu trầm lắng, mà là loại tài cao trí lớn, chính trực trung tâm, thâm tàng bất lộ. Nếu một ngày được đứng trong triều đình, chắc chắn sẽ… có tương lai.

 

Tiếc hận loáng thoáng trôi qua, Lưu Kiện nhìn Dương Toản, giống như đang nhìn một miếng ngọc thô chưa qua mài dũa, ánh mắt bỗng chốc sáng ngời, đối với bài luận trong tay Thiên tử, lại càng thêm hứng thú.

 

Hàn thượng thư thì hạ quyết tâm, bất kể Dương Toản xếp hạng, cho dù là cuối cùng của nhị giáp, cũng phải nói một tiếng xin lỗi với Mã Văn Thăng, người này một khi vào triều, nhất định phải điều tới Hộ bộ.

 

Trường hợp người kia không đáp ứng?

 

Tạ Các lão đoạt đi của hắn nửa lạng trà ngon, Mã Thượng thư lại cướp khoảng nữa cân! Nếu như không theo ý hắn, nhất định chỉ có một lời: chờ tới thăm phủ!

 

Dưới áp lực của Thiên tử và các vị quan giám khảo, Dương Toản không ngông cuồng không nóng vội, cứ chậm rãi mà nói, sắc mặt không hiển lộ một chút khiếp đảm nào.

 

Hoằng Trị đế càng nhìn càng thấy vừa lòng.

 

Sau khi nghe đối phương nói xong, hắn cũng không hề hỏi ý kiến bình phẩm của mọi người, ngược lại nói: “Ngươi còn chưa đầy hai mươi tuổi, có thể nói năng rành mạch tỉ mỉ đến nhường này, thực là khó có được.”

 

Vừa rồi, lúc cải danh cho Tạ Phi, Hoằng Trị đế chỉ là thuận thế mà làm, coi như ổn định tâm tình của mấy vị Các thần. Song, lần này hắn khích lệ Dương Toản, lại thật sự xuất phát từ tư tâm.

 

Nhìn vào ý tứ này, rõ ràng có thể thấy được, Hoàng đế chỉ còn thiếu nước nói với mười bốn vị danh thần tâm phúc cùng ba trăm Cống sĩ rằng: Trẫm xem trọng hắn!

 

“Bệ hạ khen tặng, tiểu dân thẹn không dám nhận.”

 

“Xứng đáng lắm.”

 

Ngữ khí của Hoằng Trị đế lại càng thân mật, thân mật đến mức ba vị Các thần đồng loạt trợn trừng con mắt.

 

Thiên tử muốn như thế nào? Cho dù tùy hứng, cũng không thể quá trớn như vậy được!

 

Hoằng Trị đế đè xuống áp lực từ xong quanh, đơn giản nói: “Ngươi nguyên quán Tuyên phủ?”

 

Dương Toản xác nhận.

 

“Là con thứ mấy trong nhà?”

 

“Bẩm bệ hạ, tiểu dân trên có hai huynh một tỷ, là con thứ tư.”

 

Nghe được lời ấy, sắc mặt Diêm Cảnh khẽ biến, sợ hãi từ sống lưng lũ lượt kéo lên.

 

Nếu Dương Toản quỳ rạp xuống đất, kêu oan ngay trên đại điện, nói ra sự tình ở Trác Lộc, vậy thì hắn phải làm sao?

 

Không ngờ Dương Toản chỉ trả lời đúng câu hỏi, một chữ dư thừa cũng chẳng thốt ra.

 

Biểu hiện này thế nhưng càng khiến cho Diêm Cảnh kinh sợ.

 

Suy bụng ta ra bụng người, có ân phải đền, có thù tất báo. Dương Toản bây giờ không nói, ngày khác nhắc lại, tất là mưa rền sấm dữ càng mãnh liệt hơn!

 

Kế hoạch lúc trước đã không dùng được, muốn toàn mạng rút chân ra, chỉ sợ vạn phần khó khăn. Sau khi Đình hắn phải đến thương nghị với phụ thân, nghĩ biện pháp khác vậy.

 

Sự khác thường của Diêm Cảnh chưa khiến cho Thiên tử chú ý, song lại làm quan giám khảo và trung quan gần đó ghé mắt liếc qua.

 

Người này đứng ngồi không yên, mơ hồ lộ ra lo sợ, trong đó tất phải có nguyên do!

 

Hữu Đô Ngự sử – Sử Lâm nhíu mày, tạm thời áp chế nghi hoặc nơi đáy lòng. Trung quan thì đem những gì nhìn thấy ghi lại tỉ mỉ, về sau sẽ bẩm báo lên cho Thiên tử.

 

Ở trên Long ỷ, Hoằng Trị đế hơi hơi nghiêng người, hỏi: “Ngươi có tên tự không?”

 

“Bẩm bệ hạ, tiểu dân chưa đủ hai mươi, chưa có tên tự.”

 

“Trẫm ban tự cho ngươi, thế nào?”

 

Miếng bánh nhân thịt thơm phức từ trên trời rơi thẳng xuống, nện ngay giữa đỉnh đầu, không nhanh miệng đớp lấy thì còn chờ cái gì đây? Nhưng là trước khi nuốt trọn, vẫn phải cảm động đến rơi nước lệ một hồi.

 

“Long ân tựa như trời biển của bệ hạ, tiểu dân có tài đức gì mà có thể tiếp nhận đây!”

 

Hoằng Trị đế hòa ái nói: “Trẫm thấy ngươi tính cách trầm ổn, lòng ôm trí lớn, tâm tư ngay thẳng thật thà, lại biết nghĩ đến dân sinh, vì thế liền ban cho ngươi hai chữ “Quý Khuê” (*). Ngày sau tiếp tục phấn đấu, không được phụ lòng của Trẫm.”

(*) Quý Khuê: viên ngọc thứ tư, vì ẻm là con thứ tư trong nhà

 

Có được lời vàng ý ngọc của Hoằng Trị đế, chỉ cần Dương Toản có thể giữ mình trong sạch, không gây ra sai lầm to lớn nào, chắc chắn rất nhanh thăng quan tiến chức, một bước lên mây.

 

Đều là môn sinh của Thiên tử, song Tạ Phi cũng không có được vinh quang sáng ngời như thế.

 

Không cần người khác nhắc nhở, Dương Toản vội hành lễ tạ ơn.

 

Trong điện, biểu tình của đám Minh kinh (*) không hoàn toàn giống nhau, hâm mộ có, ghen tị có, mỉm cười có, không phục cũng có.

(*) Minh kinh: Người thông qua nhiều cuộc khảo thí sắp sửa được phong chức tiến nhập quan trường

 

Đám người Lý Thuần Trình Văn hâm mộ rất nhiều, bọn họ đều cảm thấy cao hứng và mơ hồ dâng lên vài phần kích động.

 

Dương Toản được Thiên tử ưu ái, sẽ lên như diều gặp gió. Bởi thế trong lòng cả đám đều có một chút đắc ý nho nhỏ, mình có thể giao hảo cùng Dương Toản, thực sự là nhìn xa trông rộng, có khả năng đoán trước tương lai.

 

Mà Hồ Cống sĩ, trước đó vẫn còn hả hê vui sướng, thời khắc này lại ngây ra như phỗng, hồn vía lên mây. Nhớ tới một màn khiêu khích Dương Toản ở cửa cung, những giọt mồ hôi to bằng hạt đậu không ngừng chảy dài trên trán hắn, sắc mặt cũng theo đó mà trắng bệch cả ra.

 

Được Thiên tử khen ngợi, người ngoài cũng phải nhìn với cặp mắt khác xưa, thế nhưng Dương Toản vẫn không dương dương tự đắc mà quên đi tất cả. Sau khi tạ ơn hắn thối lui về lại chỗ ngồi, lưng vẫn dựng thẳng, an tọa như lúc ban đầu.

 

Kế tiếp, Thiên tử gọi tới mầy người Cố Cửu Hòa, Đổng Vương Dĩ, Thôi Tiển, Diêm Cảnh.

 

Ba người đầu thể hiện rất tốt, mặc dù không bằng Tạ Phi, song cũng êm tai, đều được Thiên tử và nhóm Các thần nhận định.

 

Chỉ duy Diêm Cảnh, liên tục nhận “đả kích” từ Tạ Phi, Dương Toản, tâm tư đã có chút thấp thỏm bất an. Dù hắn đã cố giữ vững tinh thần, không đến mức thất thố, nhưng so ra, vẫn kém mấy người phía trước rất nhiều.

 

Thấy hắn như thế, Hoằng Trị đế khẽ nhíu mày, có vẻ hơi hơi thất vọng.

 

Ninh Cẩn tinh tường, lập tức hiểu ra ngay, trong mấy người được Thiên tử xem trọng vừa rồi, Diêm Cống sĩ này sợ là không may cho lắm.

 

Sau tám người, Thiên tử không gọi thêm ai nữa.

 

Những Minh kinh còn lại vô cùng thất vọng, tuy nhiên đám người Lưu Kiện lại nhẹ nhàng thở ra.

 

Nếu Thiên tử tiếp tục tùy hứng, cho dù có phải mạo phạm Long nhan, bọn họ cũng không thể không lên tiếng.

 

Giờ Dậu, hoàng hôn dần ngả về Tây, ba trăm Minh kinh đều đã hoàn thành bài thi.

 

Quan giám khảo xin chỉ thị của Thiên tử, sau đó bắt đầu thu quyển trục. Trừ tám bài văn bị Thiên tử lấy đi, hai trăm chín mươi lăm bài khác đều được giao cho quan niêm phong bảo tồn.

 

Trung quan thu dọn bàn, chúng Minh kinh đứng dậy quỳ lạy thiên tử, rồi theo sự dẫn dắt của tiểu Hoàng môn rời khỏi đại điện.

 

Bóng đêm dần dần buông xuống, trong cung lục tục đốt đèn.

 

Trung quan xách đèn đứng ở hai bên, ánh lửa liên tiếp nối đuôi nhau tạo thành một hàng dài chiếu lên tường đỏ ngói xanh và những bức tượng mãnh thú ngồi trên các góc mái, đặc biệt dấy lên một âm hưởng trầm lắng mà tinh tế lạ kỳ.

 

Khi ra khỏi hoàng cung, tâm tình mọi người đều không giống nhau.

 

Bọn họ nhiều năm gian khổ học tập ngày đêm, hiện nay chung quy cũng có được thành quả, xem như có thể an ủi tổ tiên, không thẹn với phụ mẫu họ hành đang chờ đợi, vinh quang hiển hách trở lại quê nhà.

 

Người đáng được hâm mộ nhất, chính là Tạ Phi và Dương Toản.

 

Người trước được Thiên tử cải danh, nhất giáp hẳn là đã định, chẳng qua chỉ là Trạng Nguyên, Bảng nhãn, hay Thám hoa thôi. Người sau được Thiên tử ban tên tự, kể cả có rơi vào nhị giáp, sau này nhập triều là sóng nước êm xuôi, mây xanh thẳng tiến, không ai có thể sánh bằng.

 

Đi lại trong cung, tất nhiên không tiện nhiều lời, thế nhưng không ít người đã hạ quyết tâm, sau khi xuất cung sẽ thiết yến tạo dựng quan hệ với Dương Toản, kể cả không thể thân thiết như đám người Vương Trung Lý Thuần thì ít ra cũng phải quen mặt một chút mới được.

 

Bái phỏng Tòa sư, có nghĩa là gần gũi với người có chỗ đứng ở trong triều, như thế ít nhiều cũng vẫn có phiêu lưu. Thế nhưng kết giao với Dương Toản – người có Thiên tử làm chỗ dựa, chẳng những không hề mạo hiểm, ngược lại còn cực kỳ có lợi.

 

Đi qua Phụng Thiên môn, thủ vệ gác thành đã đổi ca.

 

Dương Toản chú tâm xem xem xét xét, không Cẩm y Thiên hộ kia đâu, trong lòng không khỏi có hơi thất vọng.

 

Lắc lắc đầu vài cái, hắn lập tức cáo từ mọi người, cùng Lý Thuần Trình Văn trở về quán trọ.

 

Gió đêm quất thẳng vào mặt, trăng sáng sao khuya thêu dệt thành áo choàng.

 

Khắp cả kinh thành đã không còn tiếng người vang vọng, chỉ có từng ngọn đèn dầu nho nhỏ le lói sắp sửa lụi tàn.

3 comments on “Đế sư – Chương 18

  1. Mình mạn phép góp ý một chút, với những chú thích liên tục và dài thì có thể để đến cuối chương đc không?

    Cách mấy chữ lại thêm một cái chú thích dài gấp mấy lần làm khúc đó loãng ra rất khó đọc.

    Ps: edit mượt lắm ý ^^

     
    • Được bạn :v cũng phải ha, vậy cái chú thích nào ngăn ngắn đơn giản thì để gần đoạn cho ng được nắm được luôn, còn cái nào dài dài mang tính chất bổ sung thông tin thì để xuống cuối, ai thích thì đọc nhỉ <3
      Cảm ơn bạn đã đóng góp ý kiến cho nhà mình :*

       
  2. Nhà bạn edit có tâm lắm lắm luôn, chú thích đàng hoàng chi tiết từng thứ một. Mình thích cực, gửi ngàn cái tim nè ^^
    ♡ cực thích đam về triều Minh luôn nạ, cảm ơn nhóm nhiều!!!

     

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Xin hãy nhập captcha *